Thứ năm, 27/10/2011, 16:41 GMT+7 E-mail Bản In 'Chưa lãnh đạo nào bị kỷ luật vì tai nạn giao thông'
Đại biểu Lê Thị Nga cho hay, 3 khóa Quốc hội gần đây có trên 150.000 người chết vì tai nạn giao thông nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào bị kỷ luật vì để xảy ra tai nạn và chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này.
> 'Tôi không duy ý chí khi đề xuất hạn chế xe cá nhân'
Ngày 27/10, tại buổi thảo luận về báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ, đại biểu Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông quá nghiêm trọng và tương đương với tiêu chí cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Nguyên nhân, theo bà Nga là ý thức của người tham gia giao thông quá kém và đã trở thành thói quen cố hữu của một bộ phận không nhỏ người dân. Trên 80% tai nạn là do lỗi của người điều khiển phương tiện, phổ biến là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu. Vì vậy cả những đoạn đường tốt mới làm cũng gây ra nhiều tai nạn.
"Nhiều người dân coi việc vi phạm giao thông là không có gì cần lên án. Ngược lại, một bộ phận không nhỏ cảnh sát, thanh tra giao thông nhận tiền mãi lộ, hoặc là thiếu trách nhiệm, bỏ qua vi phạm. Điều này lý giải cho việc khi ra nước ngoài dân ta tuân thủ giao thông của nước bạn rất nghiêm. Theo tôi, người đại diện cho nhà nước làm việc không nghiêm thì người dân nhờn pháp luật là điều tất yếu", đại biểu Nga nhìn nhận.
Ùn tắc thường xuyên xảy ra tại Hà Nội vào giờ cao điểm. Ảnh: Tiến Dũng.
Theo bà Nga, nguyên nhân cơ bản và quyết định nhất chính là sự yếu kém trong quản lý nhà nước về giao thông. Bằng chứng là 3 khóa Quốc hội gần đây có trên 150.000 người chết vì tai nạn giao thông, nhưng hầu như chưa có lãnh đạo nào bị kỷ luật vì để xảy ra tai nạn và chưa miễn nhiệm một bộ trưởng nào vì lý do này.
Thêm vào đó, nữ đại biểu cho rằng, sự mất cân đối nghiêm trọng trong phát triển hạ tầng và phương tiện, sự phát triển ồ ạt phương tiện giao thông cơ giới những năm qua đã tiến xa khả năng đáp ứng của hạ tầng.
"Năm 2002, nghị quyết 13 đã đưa ra giải pháp rất đúng là tăng cường vận tải công cộng, kiềm chế sự gia tăng của ôtô, xe máy, hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội. Nhưng trên thực tế, sau khi tăng cường vận tải công cộng, Chính phủ đã cho phép sản xuất, nhập khẩu ôtô, xe máy, phát triển rầm rộ taxi thì tai nạn và ùn tắc giao thông là hệ quả tất yếu. Chính phủ cần phải giải trình rõ phương án giải quyết tình trạng này", bà Nga nêu thực trạng.
Đường bộ là nơi xảy ra nhiều tai nạn nhất, nhưng theo nhận định của bà Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đầu tư cho đường bộ chưa tương xứng với lượng người và phương tiện mà nó đang phải gánh. Đơn cử, quốc lộ 3 tuyến Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng xuống cấp từ nhiều năm nay, tai nạn rình rập hàng giờ nhưng việc cải tạo còn chậm.
Lý giải cho giải pháp đội mũ bảo hiểm, cấm xe lam được thực hiện khá tốt, bà Nga cho hay, đó là do "nói đi đôi với làm". Nhưng có những giải pháp đưa ra lại không thành công, như hạn chế xe cá nhân, giải phóng vỉa hè ở hai thành phố lớn... đó là do "nói mà không làm" hoặc thực hiện nửa vời thiếu triệt để, đầu voi đuôi chuột, khiến hiệu quả kém và người dân nhờn luật.
Chiều 7/10, trên đường Lý Thái Tổ (TP HCM) xảy ra vụ ôtô "điên" đâm một loạt xe máy khiến 2 người chết và 17 người bị thương. Ảnh: An Nhơn.
Và đại biểu Nga cũng "vạch tội" ngành giao thông khi để xảy ra tình trạng "học chơi, bằng thật", làm giả bằng lái xe khiến nhiều lái xe không hiểu luật giao thông vẫn được cấp bằng, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
"Tiêu cực trong lĩnh vực giao thông có mặt ở hầu như tất cả các mặt, kéo dài hàng chục năm nay nhưng rất chậm được khắc phục. Theo đánh giá của cử tri, số vụ việc được phát hiện chỉ là một phần nhỏ của sự thật, góp phần làm cho giao thông ngày càng thêm hỗn loạn trong khi các ngành đều có bộ máy thanh tra hùng hậu, tự phát hiện còn yếu, chủ yếu qua báo chí và người dân", bà Nga nói thêm.
Đề cập tới giải pháp, nữ đại biểu Thái Nguyên đề nghị cần cho Hà Nội và TP HCM cơ chế đặc thù để giải quyết sớm vấn đề giao thông. "Nếu không dùng biện pháp mạnh, chúng ta lại bất lực ngồi nhìn hơn 11.000 người chết của năm sau".
Tại phiên thảo luận ngày 26/10, trước thực trạng chỉ còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2011 nhưng số vụ tai nạn, số người chết và bị thương, thiệt hại về vật chất đã cao gần bằng đỉnh của năm 2002 (12.500 người), đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, đây là tình trạng rất nghiêm trọng. Ông Thường lo lắng khi các giải pháp Chính phủ đưa ra cũng chưa có gì đột phá.
Ngoài việc đề nghị Chính phủ xem xét nâng khung hình phạt, chế tài đối với các hành vi cố tình vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) còn đề nghị các ngành chức năng phải thiết lập hệ thống thanh tra, kiểm soát và xử lý nội bộ đối với hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của một số tham gia tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và giữ được lòng tin của nhân dân.
Tiến Dũng